FCM - Tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng
Thứ tư - 15/07/2015
|
|
Hơn 22.000 tỷ đồng là con số lợi nhuận ròng mà 415 DN niêm yết công bố báo cáo tài chính bán niên đến thời điểm này tích lũy được cho cổ đông hiện hữu của mình. Nếu tính tổng mức lợi nhuận trước thuế, con số này còn cao hơn rất nhiều. Con số trên chưa tính đến kết quả của hàng loạt đại gia ngành tài chính - ngân hàng, một số DN quy mô lớn hoạt động theo mô hình tập đoàn, do đến ngày 13/8/2013 vẫn chưa công bố báo cáo tài chính (BCTC) 6 tháng (ngày 15/8/2013 là hạn cuối cùng). Dù chưa tổng hợp hết kết quả của nhiều “ông lớn”, nhưng hơn 22.000 tỷ đồng lợi nhuận mà 415 DN niêm yết làm ra trong 6 tháng đầu năm nay vẫn thật sự là điểm sáng trong nền kinh tế.
Trên 83% DN niêm yết có lãi
Thống kê 415 DN niêm yết đã công bố BCTC quý II/2013 cho thấy, có tới 347 DN báo cáo lãi 6 tháng đầu năm, tương đương tỷ lệ 83%. Đây là tỷ lệ khá cao trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đầu năm nay vẫn còn nhiều khó khăn. Tổng số lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm mà 347 DN có lãi này mang lại lên tới 23.967,87 tỷ đồng.
Tính toàn bộ 415 DN niêm yết đã được tổng hợp BCTC, lợi nhuận ròng khối này tích lũy được là 22.630,57 tỷ đồng, trong đó, đóng góp lợi nhuận lớn nhất là Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) với 7.070 tỷ đồng, CTCP Sữa Việt Nam (VNM) với 3.373 tỷ đồng), Tổng công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí (DPM) với 1.602,11 tỷ đồng…
Điều đáng lưu ý hơn là, mức trên 22.630 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trên chưa được tổng hợp dữ liệu từ các ngân hàng niêm yết như Vietcombank (VCB), Vietinbank (CTG), Sacombank (STB), ACB, Eximbank (EIB), MBB, SHB hay các DN quy mô lớn khác như: Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Tập đoàn Bảo Việt (BVH)… Nếu có dữ liệu tổng hợp của các DN này, tổng mức đóng góp của các DN niêm yết cho nền kinh tế chắc chắn lớn hơn rất nhiều, thậm chí có thể đến 40.000 tỷ đồng lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2013.
Ở chiều ngược lại, Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) hiện là đơn vị lỗ nhiều nhất, với mức lỗ 6 tháng đầu năm hơn 436 tỷ đồng. Một số đơn vị khác đã có báo cáo tài chính với số lỗ lớn là CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) lỗ trên 145 tỷ đồng; CTCP Tấm lợp vật liệu xây dựng Đồng Nai (DCT) lỗ hơn 76 tỷ đồng... Các DN còn lại chủ yếu báo lỗ 6 tháng đầu năm ở mức rất thấp, dưới 1 tỷ đồng.
Tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng
Không chỉ ghi nhận mức lợi nhuận khổng lồ, nhiều DN niêm yết có mức độ tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng so với cùng kỳ năm 2012. Nửa đầu năm 2012, 415 DN đã tích lũy được 19.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng các DN được thống kê lên tới trên 16%, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam 6 tháng đầu năm là khoảng 4,9%.
Tính riêng lẻ, 183 DN niêm yết trên tổng số 415 DN niêm yết tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2012, với 56 DN có mức tăng trưởng lợi nhuận trên 100% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng lớn nhất thuộc về CTCP Khoáng sản Fecon (FCM), tăng trưởng 29.355,55%. Xếp thứ hai là CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM), tăng trưởng 19.838,98% so với cùng kỳ.
Ấn tượng ngành dầu khí
6 tháng đầu năm, các DN thuộc nhóm ngành dầu khí có mức lợi nhuận ấn tượng nhất. GAS đạt 7.070 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, DPM lãi sau thuế 1.602 tỷ đồng, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) lãi sau thuế gần 865 tỷ đồng…
Các DN này cũng đồng thời là những đơn vị có số dư tiền mặt và tương đương tiền rất lớn. GAS có số dư tiền và tương đương tiền cuối tháng 6/2013 là 16.142 tỷ đồng, DPM (5.629 tỷ đồng), Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS, 6.235 tỷ đồng), PVD (2.335 tỷ đồng), Tổng CTCP PVI (2.269 tỷ đồng…
Thống kê của Stoxplus với 386 DN niêm yết cho thấy, dù không có quy mô hoành tráng như các DN ngành dầu khí, nhưng các DN ngành điện, nước, xăng dầu, khí đốt lại có mức tăng trưởng rất ấn tượng, lên tới… 162,2%. Mức tăng này chủ yếu có sự đóng góp của CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC), đơn vị có mức tăng trưởng lợi nhuận tới hơn 564% so với cùng kỳ, đạt lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2013 là gần 1.300 tỷ đồng. Nếu loại bỏ PPC, mức tăng của nhóm này cũng đạt tới 87,41%.
Các DN ngành dịch vụ tiêu dùng và gia dụng cũng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng, trên 106% so với cùng kỳ năm 2012. Theo đó, 13 DN niêm yết thuộc ngành này được Stoxplus thống kê có tổng mức lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay là 275,85 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2012 chỉ đạt 133,88 tỷ đồng. Đây là ngành có mức tăng trưởng lợi nhuận lớn nhất, vượt xa các ngành hàng khác.
Tính đến thời điểm này, nhóm DN bất động sản có mức tăng trưởng “buồn”, khi lợi nhuận 6 tháng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2012. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của DN ngành này là âm 26%, nhưng đây chưa phải là mức thấp nhất. Tốc độ tăng trưởng thấp nhất thuộc nhóm DN ngành tài nguyên cơ bản, khi nhóm này có tổng lợi nhuận giảm 76% so với cùng kỳ năm 2012. ĐTCK sẽ tiếp tục cập nhật BCTC của các DN niêm yết còn lại và chia sẻ với độc giả những thống kê ấn tượng về DN trong các số báo tới.