Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây là một phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được đưa vào khai thác năm 2015 - Ảnh: VEC |
Báo Giao thông đã trao đổi với ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) - đơn vị chủ trì nghiên cứu và xây dựng đề án làm rõ hơn về quy mô, hướng tuyến của cao tốc xuyên Việt đặc biệt quan trọng này.
Vì sao không nghiên cứu hướng tuyến theo đường Hồ Chí Minh?
TEDI đảm nhận vai trò “tổng công trình sư” của đề án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Quá trình xây dựng đề án thế nào, thưa ông?
Đề án này gắn liền với quy hoạch điều chỉnh hệ thống đường bộ cao tốc. Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, đầu năm 2014, TEDI đã lập quy hoạch điều chỉnh hệ thống đường cao tốc. Trong đó, chúng tôi đã nghiên cứu và đề xuất phương án đến năm 2020 sẽ xây dựng các tuyến đường cao tốc từ Hà Nội đến Vũng Áng (Hà Tĩnh), từ TP.HCM đi Nha Trang, còn lại đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi kết nối với QL19 tạo thành ba khúc cao tốc trên trục dọc hành lang kinh tế Bắc - Nam.
"Hiện nay, TEDI hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, tuy nhiên bộ máy của TEDI tách bạch rõ ràng giữa bộ phận quản lý và bộ phận điều hành. Chúng tôi đang xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp cho giai đoạn tới, trong đó tiếp tục xác định tư vấn giao thông vẫn là ngành nghề chủ lực”.
Ông Phạm Hữu Sơn |
Tiếp đó, năm 2015, Bộ GTVT giao nhiệm vụ cho TEDI nghiên cứu và lập đề án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ nối thông cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hà Nội - TP.HCM nhằm đảm bảo tính kết nối toàn diện, phát huy hết hiệu quả của dự án. Mục tiêu số một của đề án là phải nối thông toàn tuyến chứ không đặt quy mô dự án lên trước.
Đối với TEDI, khi nghiên cứu lập đề án đầu tư dự án này có nhiều lợi thế, bởi số lượng các dự án đã được nghiên cứu từ trước chiếm tỷ lệ lớn, cộng thêm các đoạn qua Quảng Bình, Quảng Trị, trước đây Thủ tướng giao cho địa phương thực hiện, hai tỉnh này cũng giao chúng tôi nghiên cứu nên các đoạn còn lại trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông cần phải nghiên cứu mới trong đề án này chiếm tỷ lệ không nhiều.
Có ý kiến cho rằng, nên nghiên cứu trục cao tốc Bắc - Nam theo hướng tuyến của đường Hồ Chí Minh (hướng Tây) để giảm chi phí GPMB chứ không phải chạy dọc theo hướng Đông. Quan điểm của ông thế nào?
Mục tiêu đầu tư của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông nhằm kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, đầu mối giao thông quan trọng, tăng cường liên kết vùng để nâng cao năng lực vận tải trên hành lang Bắc - Nam và hỗ trợ vận tải tuyến QL1. Trong khi đó, các trung tâm kinh tế trọng điểm, đầu mối giao thông quan trọng của chúng ta đều tập trung ở đồng bằng, ven biển, khu vực phía Đông trên trục động lực phát triển kinh tế Bắc - Nam. Nếu lựa chọn hướng tuyến cao tốc Bắc - Nam đi theo đường Hồ Chí Minh, có thể tiết giảm chi phí GPMB nhưng không đảm bảo hiệu quả đầu tư, bởi lưu lượng xe ít và không kết nối đồng bộ các trung tâm kinh tế trọng điểm, các đầu mối giao thông quan trọng với nhau.
Ông có thể nói rõ quy mô cụ thể của đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông được nghiên cứu và đề xuất ra sao?